Gia đình của anh Nguyên tại Huế, bệnh nhân ung thư gan (một trong những loại bệnh gan), chưa hết bàng hoàng vì mọi việc diễn ra quá bất ngờ. Chỉ ba tháng sau khi phát bệnh, anh đã qua đời dù trước đó anh vẫn sinh hoạt khỏe mạnh.
Theo lời chị Liên, vợ anh Nguyên: “Trước khi phát hiện bệnh anh Nguyên vẫn đi làm. Thỉnh thoảng anh hay bị tức bụng. Anh còn chủ quan cho rằng do ăn nhiều dầu mỡ nên bị sình bụng. Cả gia đình đều không chuẩn bị tinh thần cho sự ra đi đột ngột của anh. Do bệnh tình nặng, cộng thêm yếu tố tâm lý không ổn định trong suốt thời gian chữa bệnh, sức khỏe anh suy yếu nhanh, và ra đi chỉ ba tháng sau khi được đưa vào bệnh viện điều trị”.
Tuy quá trình đưa đến ung thư gan vẫn còn là một bài toán khó cho giới chuyên môn, song những yếu tố như viêm gan siêu vi B, C, xơ gan, và độc chất Aflattoxin được xác định có liên quan mật thiết đến qúa trình phát sinh bệnh ung thư gan.
Theo ước tính của Bộ Y tế, nước ta có hơn 16 triệu người nhiễm viêm gan siêu vi B. Thực trạng cho thấy hơn 70% số bệnh nhân ung thư gan có tiền sử bệnh viêm gan siêu vi B, hoặc C. Điều này khiến Việt Nam trở thành nước có tỉ lệ bệnh nhân ung thư gan xếp hàng cao nhất thế giới. Mỗi năm nước ta có thêm 10.000 ca nhiễm bệnh ung thư gan mới.
Do triệu chứng lâm sàng của ung thư gan thường không rõ ràng, 80% bệnh nhân được phát hiện ung thư gan thường phải ở giai đoạn cuối. Với khối u nhỏ, bệnh nhân có thể chỉ cảm thấy mệt mỏi không rõ nguyên nhân, ăn uống giảm sút, cảm giác tức hạ sườn phải nhưng không đáng kể, khiến nhiều bệnh nhân lầm tưởng mình bị chứng khó tiêu. Triệu chứng chỉ thể hiện rõ nét ở giai đoạn cuối. Bệnh nhân bị vàng da, bụng trướng, đau đớn dưới hạ sườn. Khi bệnh nhân trong giai đoạn ung thư gan tiến triển, diễn biến tử vong thường rất nhanh, thông thường khoảng từ 1-6 tháng, hãn hữu mới có trường hợp kéo dài được một năm.
Hiện nay, ung thư gan có thể được phát hiện sớm bằng nhiều biện pháp chẩn đoán tiên tiến như siêu âm, CT Scan, chụp mạch máu gan, MRI, Alphafetoprotein, hoặc sinh thiết gan. Nếu được phát hiện ở gia đoạn sớm, bệnh có thể được kiểm soát.
Phẫu thuật cắt bỏ một phần gan, hay ghép gan vẫn là phương pháp điều trị tối ưu. Tuy nhiên, việc tiến hành phẫu thuật còn phụ thuộc vào các yếu tố kích thước, vị trí, số lượng u, mức độ xâm lấn tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch chủ dưới, và chức năng gan… Không phải khối u nào cũng có thể áp dụng phương pháp phẫu thuật. Bên cạnh phẫu thuật, các phương pháp phá huỷ u qua da bằng điện động, vi sóng, hoặc đốt nhiệt cao tần, hay hóa thuyên tắc mạch ngăn máu đến nuôi khối u cũng được áp dụng cho bệnh nhân ung thư gan.
Ngoài ra, bệnh nhân ung thư gan cũng có thể dùng dược phẩm Sorafenib (tên thương mại Nexavar®), với tác dụng ức chế sự tăng trưởng của khối u. Tuy không chữa dứt bệnh, nhưng Nexavar® tác động trực tiếp lên tế bào ung thư, ngăn cản máu đến nuôi khối u, cũng như thay đổi tính chất của tế bào ung thư, để chúng tự lập trình thời gian chết như các tế bào bình thường. Thuốc được chỉ định chủ yếu cho bệnh nhân sau phẫu thuật nhằm ngăn cản khả năng tái phát, và cho bệnh nhân ung thư gan tiến triển.
Thuốc này đã được Tổ chức quản lý thực phẩm và dược phẩm FDA của Mỹ, và EFPAMA của châu Âu thông qua chỉ định cho bệnh nhân ung thư gan. Hiện nay, Nexavar® (do Công ty Bayer – Đức sản xuất) đang được lưu hành trên hơn sáu mươi quốc gia. Tại Việt Nam, Nexavar® được Bộ Y tế cấp phép, và được sử dụng trong việc điều trị bệnh ung thư gan.
Tuy nhiên, các phương pháp điều trị ung thư gan đều không bảo đảm triệt tiêu hoàn toàn bệnh, và khả năng tái phát vẫn còn rất cao. Việc điều trị lại rất tốn kém, và ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài. Vì thế, việc phòng bệnh luôn cần được coi trọng. Mọi người cần tiêm vacxin phòng ngừa viêm gan siêu vi B, điều chỉnh thói quen ăn uống lành mạnh, tránh uống nhiều rượu bia. Đối với những trường hợp đã nhiễm viêm gan siêu vi B, hoặc C, cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ, cũng như tiến hành tái khám định kì nhằm phát hiện mầm mống bệnh, để kịp thời áp dụng những phương pháp điều trị thích hợp.
theo suckhoevietnam