Quá trình hình thành sỏi không có triệu chứng nên bệnh nhân thường không biết mình bị sỏi thận. Chỉ đến khi sỏi lớn lên gây đau đớn, hay đi tiểu ra sỏi mới biết.
Sỏi thận hình thành do nồng độ các chất khoáng như canxi, oxalat, muối urat, natri, cystine hay phốt pho tăng cao. Những chất này lắng đọng trong đài, bể thận và kết thành sỏi. Những viên sỏi nhỏ có thể tự ra ngoài theo nước tiểu mà không gây triệu chứng gì. Những viên lớn hơn có thể vẫn di chuyển được theo dòng nước tiểu nhưng gây đau đớn và chảy máu đường tiết niệu hay mắc lại ở những chỗ hẹp của niệu quản gây viêm tắc niệu quản.
Có những viên sỏi nằm lại trong đài bể thận hoặc trong bể thận rồi phát triển to dần, choán hết đài bể thận gây ra những tai biến nghiêm trọng làm hủy hoại thận và các chức năng của cơ quan này. Sỏi thận có bề mặt xù xì, lởm chởm, sắc nhọn nên rất dễ làm tổn thương thận tạo nên những vết sẹo dẫn đến suy thận.
Bệnh thận có nhiều cách chữa như uống thuốc để làm tan sỏi, tán sỏi qua da, phẫu thuật…Tuy nhiên, có đến 60% số người từng bị sỏi thận sẽ bị tái phát, do đó ngăn ngừa tái phát sỏi sau điều trị là rất quan trọng.
Để ngăn chặn sự hình thành sỏi mới, cần loại bỏ các nguyên nhân hình thành sỏi thận như giảm lượng thức ăn giàu oxalat, canxi như các loại quả hạnh nhân, sô cô la, nước chè, dâu tây…Ăn ít chất đạm động vật nếu bị sỏi acid uric.
theo suckhoevietnam