Biến chứng ở mắt của bệnh tiểu đường là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở các nước phát triển.
Theo báo cáo của ngành Y tế, trong vòng 30 năm qua tần số bệnh tiểu đường ở nước ta đã tăng lên từ 6-12 lần. Trong khi đó, biến chứng ở mắt của bệnh tiểu đường là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở các nước phát triển.
Người bị tiểu đường có nguy cơ đục thủy tinh thể cao
Những biến chứng về mắt thường gặp
Tổn thương võng mạc: Theo bác sĩ Thu Vân, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội: Trên thực tế, dù người bị bệnh tiểu đường ở dạng nào thì cũng bị bệnh về võng mạc. Sau khoảng 10-15 năm tiến triển, 90% loại type I và 60% loại type II có bệnh lý võng mạc. Trong đó 50% dẫn đến mù lòa.
Đây là kết quả cụ thể của những thay đổi bất thường trong cơ thể:
– Sự thay đổi trong máu khiến lượng protein trong máu tăng nên máu dẻo quánh hơn.
– Sự thay đổi ở tĩnh mạch làm cho thành mạch dày và giòn hơn nên dễ vỡ.
Do hai sự thay đổi này, mạch máu ở võng mạc bị bít lại, tạo ra những vùng thiếu ôxy, khiến cơ thể phải tự bảo vệ bằng những mạch máu mới gọi là tân mạch. Tuy nhiên, những tân mạch này thường giòn và dễ vỡ nên thường xảy ra hiện tượng xuất huyết võng mạc, ngăn cản ánh sáng đến võng mạc.
Triệu chứng đầu tiên là nhìn mờ, có các đốm trước mắt hay triệu chứng “ruồi bay”. Tổn thương võng mạc thường kéo dài nhiều năm. Khi các mạch máu vỡ ra và thành sẹo, võng mạc sẽ bị co kéo và bong tróc khỏi đáy mắt. Bong võng mạc nhiều sẽ gây mù lòa nếu không được phát hiện sớm và điều trị bằng laser quang đông. Vì vậy, khi có những triệu chứng của bệnh tiểu đường cần đến ngay bác sĩ chuyên khoa để có những hướng điều trị đúng. Về sau khi tân mạch xuất hiện bác sĩ có thể dùng tia lase để triệt tiêu những tân mạch đó.
Đục thủy tinh thể (còn gọi là cườm khô): Kết quả một số công trình nghiên cứu liên quan đến bệnh tiểu đường cho biết, tỷ lệ bị đục thủy tinh thể ở người tiểu đường cao gấp 6 lần ở nhóm người bình thường. Bệnh thường gặp ở những mắc tiểu đường khi còn trẻ. Một khi đã bị đục thuỷ tinh thể thì bệnh tiến triển rất nhanh dân đến đến đục toàn bộ chỉ trong 1-3 tháng, chứ không phải hàng năm như trên người bình thường. Nguyên nhân là do cơ chế chất sorbitol và glucose tích tụ trong thuỷ tinh thể làm tăng sự thẩm thấu khiến nó bị căng phồng. Mặt khác glucose còn gây sự thay đổi thành phần các chất lỏng và cristalline trong thuỷ tinh thể làm mất tính trong suốt. Vì vậy, người tiểu đường thường bị đục cả 2 mắt và tiến triển nhanh. Với bệnh lý này cần phải được phẫu thuật để thay thủy tinh thể nhân tạo.
Bệnh glaucoma (hay cườm nước): làm tăng nhãn áp khiến cho người bệnh có cảm giác đau nhức mắt dữ dội và có thể gây giảm thị lực thậm chí mù lòa. Bệnh glaucome có thể điều trị bằng phẫu thuật hay nội khoa.
Theo các chuyên gia về bệnh tiểu đường, mọi người nên đi khám ngay nếu thấy có những dấu hiệu sau:
– Nhìn mờ hay nhìn thấy hai hình (nhìn đôi hay song thị)
– Có triệu chứng ruồi bay trước mắt, nhìn hay bị chói
– Có các đốm đen hay quầng tối khi nhìn vào mặt phẳng trắng (ví dụ bức tường)
– Ấn nhẹ vào mắt gây cảm giác đau
– Giảm hay mất thị lực đột ngột
Người bệnh tiểu đường nên ăn nhiều rau củ tươi để kiểm soát đường huyết
Vì hiện nay chưa có một loại thuốc nhỏ mắt hay dạng thuốc viên uống nào điều trị có hiệu quả rõ ràng trong việc phòng ngừa các biến chứng võng mạc cũng như biến chứng đục thủy tinh thể do tiểu đường. Do vậy, phải kiểm soát thật tốt đường huyết, giữ mức đường huyết trong vùng an toàn bằng cách thực hiện chế độ ăn kiêng đường, tăng chất đạm, và rau tươi. Quá trình kiểm soát huyết áp, ngưng hút thuốc lá, tầm soát và theo dõi định kỳ cũng sẽ giúp bạn giữ cho đôi mắt luôn khỏe mạnh. Bên cạnh đó người bệnh tiểu đường cần có một chế độ sinh hoạt và tập luyện phù hợp với bệnh lý của mình. Việc tập luyện quá sức có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh lý về mắt
Phòng ngừa bệnh
Trước hết người bị bệnh tiểu đường cần nhận biết được tầm quan trọng và thực hiện nghiêm túc chế độ khám mắt, kiểm tra thường xuyên theo lịch quy định để phát hiện và điều trị kịp thời, khi chưa có tổn hại võng mạc và thần kinh, gây giảm thị lực.
Để phòng ngừa, phát hiện sớm và kiểm soát biến chứng mắt do tiểu đường, người bệnh tiểu đường nên:
– Cố gắng giữ đường huyết và huyết áp ổn định thật tốt.
– Nên khám mắt tối thiểu mỗi năm một lần. Bác sĩ nhãn khoa sẽ khám thị lực, đo thị trường, soi đáy mắt để có quyết định điều trị thích hợp. Chụp võng mạc huỳnh quang cũng giúp xác định tình trạng võng mạc của người bệnh.
– Nếu có thai, nên khám nhãn khoa mỗi 3 tháng một lần. Nếu dự định có thai cũng nên đề nghị bác sĩ nhãn khoa khám đáy mắt cho bạn trước.
theo suckhoevietnam