Cha mẹ cần chú ý điều chỉnh và nhắc nhở những thói quen xấu của trẻ vì chúng có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tật, làm suy giảm sức đề kháng của trẻ nhỏ. Dưới đây là một số thói quen không lành mạnh mà các bé thường mắc phải.
Trẻ nhỏ mút ngón tay.
Mút tay là một trong những thói quen xấu của trẻ nhỏ có thể gây hại cho hệ tiêu hóa. Khi trẻ thường xuyên mút tay, những vi trùng, virus, trứng giun sán… có cơ hội được thâm nhập vào bên trong cơ thể và gây nên bệnh tật. Đặc biệt, đường ruột và hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu nên rất dễ mắc các bệnh như tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa.
Trẻ nằm ngủ khi vừa ăn no.
Trẻ nhỏ nằm ngủ ngay sau khi ăn no sẽ khiến dạ dày bị căng to và đẩy cơ hoành lên chèn ép cản trở hoạt động của tim. Bên cạnh đó, còn làm tăng sức ép đối với việc tiêu hóa thức ăn ở dạ dày. Điều này khiến trẻ luôn cảm thấy mệt mỏi, khó chịu sau khi ngủ dậy và có thể gây ra bệnh đau bao tử ở các bé.
Mẹ cần tránh cho trẻ ăn quá no trong khoảng 2 giờ trước khi đi ngủ. Nên khuyến khích trẻ vận động nhẹ nhàng trước giờ đi ngủ cũng là cách giúp thức ăn tiêu hóa nhanh hơn.
Trẻ nhỏ thức khuya không tốt cho sức khỏe.
Hiện nay trẻ nhỏ rất thích sử dụng đồ công nghệ. Nhiều bé có thói quen xem phim hoạt hình hoặc nghịch điện thoại đến mức quên cả giờ ngủ. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ thức khuya nhiều sẽ ngủ không đủ và ngủ không sâu giấc. Tình trạng thiếu ngủ thường xuyên gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bé như: tăng nguy cơ béo phì ở trẻ, khó phát triển chiều cao, trẻ luôn mệt mỏi, cáu gắt…
Trẻ hay cắn móng tay, ngoáy mũi và dụi mắt.
Đây là những thói quen rất xấu và đa phần trẻ nhỏ đều mắc phải.
Cắn móng tay: Gây tổn thương vùng da quanh móng, có thể chảy máu hoặc nặng hơn là bị nhiễm trùng. Bên cạnh đó, còn tăng nguy cơ bị các loại vi khuẩn nguy hại xâm nhập vào cơ thể.
Ngoáy mũi: Những vi trùng tiềm ẩn trên ngón tay có thể gây ra nhiễm trùng da bên trong mũi, lây lan bệnh cảm cúm, cảm lạnh khi bé có thói quen ngoáy mũi.
Dụi mắt: Khi trẻ cảm thấy buồn ngủ hoặc ngứa mắt thường dùng tay dụi mắt. Thói quen này sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập, gây xước, trợt lòng đen và ảnh hưởng đến thị lực.
Trẻ có thói quen ngậm thức ăn trong miệng.
Một số trẻ nhỏ có thói quen rất xấu chính là ngậm đồ ăn trong miệng một khoảng thời gian dài rồi mới nuốt. Khi trẻ ngậm thức ăn lâu trong miệng sẽ khiến men tiêu hóa thức ăn ở tuyến nước bọt chuyển hóa thức ăn thành đường, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn xâm nhập và có thể gây sâu răng. Ngoài ra, việc ăn ngậm còn là nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ, dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, giảm sức đề kháng và dễ bị bệnh.
Trẻ có thói quen nghiện xem tivi.
Các nhà khoa học đã chỉ ra những tác hại của việc trẻ nghiện xem tivi như: ảnh hưởng xấu đến mắt gây ra cận thị sớm ở trẻ nhỏ, ảnh hưởng tế bào thần kinh, tăng nguy cơ béo phì, gây mất ngủ…
Hồng Phúc (t/h)