1. Nhõng nhẽo
Hầu hết, trẻ em đều thích được bố mẹ cưng chiều, quan tâm và không thích bị bỏ bê. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bé thường có thái độ nhõng nhẽo quá mức. Nếu để tình trạng này xảy ra thường xuyên sẽ tạo cho bé thói quen nhõng nhẽo để được mẹ đáp ứng các yêu cầu của bé bằng cách khóc lóc, ăn vạ.
Khắc phục những tật nhõng nhẽo ở bé không phải là quá khó, tuy nhiên bố mẹ luôn phải giữ được thái độ cứng rắn, quan điểm nhất nhất, trước sau như một. Tránh tình trạng thực hiện giữa chừng, thấy bé khóc lóc nhiều quá thì đáp ứng. Điều đó có thể dẫn tới những tật xấu còn nghiêm trọng hơn.
2. Đòi hỏi vô lý
Khi đi siêu thị, đi ra ngoài, nhìn thấy những đồ chơi đẹp mắt chắc chắn nhiều bé sẽ thích được sở hữu những món đồ chơi đó. Có rất nhiều bố mẹ sẵn sàng chiều lòng bé, mua cho bé những món đồ chơi mà bé thích mặc dù bé đã có rất nhiều đồ chơi ở nhà. Đó chính là tật đòi hỏi vô lý ở trẻ. Cũng giống như nhõng nhẽo, nếu bố mẹ để lâu, bé sẽ còn có những đòi hỏi vô lý khác như: Đòi dẫn đi chơi, mẹ đút cho ăn, ngủ chung… Nếu không có cách ngăn chặn kịp thời, thói quen này sẽ ảnh hưởng xấu đến tính cách của bé sau này.
Khi bé có những đòi hỏi vô lý bố mẹ cần giải thích cặn kẽ cho bé, đồng thời cũng tỏ ra thái độ cứng rắn, nghiêm túc để trẻ không tiếp tục phạm phải.
3. Đổ lỗi cho người khác hay hoàn cảnh
Thói quen đổ lỗi của bé được hình thành ngay từ những hành vi của những người xung quanh ngay từ tấm bé. Chẳng hạn như, khi bé vấp phải đồ chơi, thay vì khuyên bé lần sau chơi xong nhớ dọn đồ chơi gọn gàng, ngăn nắp và khi đi nhớ quan sát kỹ thì nhiều bố mẹ lại dỗ bé bằng cách lại đổ lỗi lên những món đồ chơi vô tri vô giác.
Đa phần, khi mắc lỗi các bé thường có cảm giác bị bố mẹ la mắng, trách phạt. Tuy nhiên, đổ lỗi cho người khác hay hoàn cảnh đó là một thói quen rất xấu làm bé không có ý thức chịu trách nhiệm về những việc mình đã làm, tự giác sửa sai và tiến bộ. Ngoài ra, đổ lỗi cũng làm cho bé mất đi cơ hội phát triển bản thân và gây ảnh hưởng xấu đến những mối quan hệ của bé.
Để hạn chế điều này, mẹ cần chú ý dạy cho bé sống có trách nhiệm với bản thân và với những người xung quanh từ những điều nhỏ nhặt nhất. Bên cạnh đó mẹ cũng cần để bé tự chịu trách nhiệm với những điều bé đã làm để hình thành tính tự lập trong trẻ.
4. Ngắt lời bố mẹ
Thực tế, có rất nhiều bé sẵn sàng ngắt lời bố mẹ khi bố mẹ đang nói chuyện với bé và cả với những người xung quanh. Có thể có nhiều người vẫn nghĩ rằng đó chỉ là một vấn đề nhỏ và có thể do bé đang quá hào hứng với những điều thú vị nên không thể kìm chế. Tuy nhiên, nếu để bé tiếp tục tình trạng này chính là bố mẹ đã vô tình biến bé trở thành một kẻ bất lịch sự và không biết tôn trọng người khác. Dần dần, “nạn nhân” bị ngắt lời không chỉ là bố mẹ và những người trong gia đình nữa mà kể cả thầy cô, bạn bè và những người xung quanh. Từ đó, bé sẽ tự cho mình quyền trở thành trung tâm của sự chú ý, mất tính kiên nhẫn và làm bé không thể xây dựng được mối quan hệ tốt với mọi người thông qua hình thức giao tiếp.
Để khắc phục và hạn chế tật ngắt lời hay chen ngang người khác, bố mẹ cần nhẹ nhàng giải thích cho bé hiểu đó là một thói quen xấu, hình thành cho bé thói quen tôn trọng, biết lắng nghe khi người khác đang nói.
Nhật Lệ